Cách tính lãi chậm đóng các loại bảo hiểm mới nhất

Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng đầy đủ, đúng hạn các loại bảo hiểm cho số lao động của đơn vị và trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, không ít doanh nghiệp chậm trễ thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm dẫn đến việc phải nộp lãi chậm đóng. Vậy, tiền lãi chậm đóng được tính như thế nào?

1. Doanh nghiệp thực hiện đóng lãi chậm đóng khi nào?

Đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng.

Ví dụ: Thời hạn nộp các khoản bảo hiểm tháng 02/2020 của doanh nghiệp là ngày cuối cùng của tháng 02 (29/02/2020).

– Nếu từ ngày 01/03/2020 đến ngày 29/03/2020, doanh nghiệp nộp tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho tháng 2 thì không phải đóng lãi chậm đóng.

– Nếu sau ngày 29/03/2020, từ ngày 30/03/2020 mới nộp các loại bảo hiểm trên cho tháng 02/2020 thì phải đóng số tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

2. Phương thức tính lãi: ngày đầu hàng tháng.

3. Công thức tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN:

Lcđi = Pcđi X k (đồng)

Trong đó:

Lcđi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tính tại tháng i (đồng).

Pcđi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (đồng), được xác định như sau:

Pcđi = Plki Spsi (đồng)

Trong đó:

Plki: tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn nợ nếu có).

Spsi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, xác định như sau:

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hằng tháng: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi;

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức 03 tháng, 06 tháng một lần: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.

k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%), xác định như sau:

– Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN, k tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.

– Đối với BHYT, k tính bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam của năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

Ví dụ:

Công ty A đóng bảo hiểm theo phương thức đóng hàng tháng. Tính đến hết tháng 02/2020 Công Ty A nợ tổng số tiền tiền đóng bảo hiểm như sau:

+ BHXH, BHTN là: 100.000.000 đồng;

+ BHYT là 30.000.000 đồng;

Trong đó: số tiền phải đóng bảo hiểm của tháng 2 là:

+ BHXH, BHTN phát sinh của tháng 2/2020 là 50.000.000 đồng,

+ Số tiền phải đóng BHYT phát sinh của tháng 2/2020 là 10.000.000 đồng.

Với mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân năm 2020 là 5,80%/năm; mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 5,86%/năm, thì lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT như sau:

+ Lãi suất chậm đóng BHXH, BHTN: kbhxh = 2 x 5,80%/12= 0,9666%/tháng

+ Lãi suất tính lãi chậm đóng BHYT: kbhyt = 2 x 5,86%/12 = 0,9766%/tháng

Áp dụng công thức trên để tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với Công Ty A tại thời điểm ngày 01/3/2020 như sau:

Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN là: 

[(100.000.000 đồng – 50.000.000 đồng) x 0,9666%] = 483.333 đồng

(Lưu ý: Tính tại thời điểm ngày 01/3/2020 thì số tiền phải đóng BHXH, BHTN phát sinh của tháng 2/2020 là 50.000.000 đồng chưa phải tính chậm nộp vì chậm đóng từ 30 ngày trở lên mới phải tính lãi – Hạn đóng tiền BHXH, BHTN của tháng 2 là ngày 29/02/2020, và được đóng chậm 29 ngày không phải tính lãi, Tức là đóng tiền BHXH, BHTN của tháng 2 từ ngày 30/3 trở đi sẽ bị tính lãi)

Tiền lãi chậm đóng BHYT là:

[(30.000.000 đồng – 10.000.000 đồng) x 0,9766%] = 195.333 đồng

(Lưu ý: Tính tại thời điểm ngày 01/3/2020 thì Số tiền phải đóng BHYT phát sinh của tháng 2/2020 là 10.000.000 đồng chưa phải tính chậm nộp)

Tổng số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu đối với doanh nghiệp Công Ty A tại thời điểm tháng 3/2020 là: 483.333 + 195.333 = 678.666 đồng.

Căn cứ pháp lý:

– Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

– Thông báo số 63/TB-BHXH năm 2020.

Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: 

    Tải bảng giá

    error: Content is protected !!