Mua hóa đơn GTGT khống bị xử lý tội gì
Kiến thức của bạn:
Mua hóa đơn GTGT ( VAT) khống bị xử lý tội gì theo luật mới nhất
Cơ sở pháp lý:
- Bộ Luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009
- Thông tư số 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
- Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và nghị định số 04/2014 ngày 17 tháng 01 năm 2014 của chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
Nội dung:
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn mua hóa đơn GTGT để bù trừ và cân đối giữa thuế đầu vào, đầu ra, hạn chế thuế GTGT phải nộp, đồng thời doanh nghiệp mua hóa đơn GTGT cũng tin rằng làm như vậy để có “ hóa đơn chứng từ” ghi nhận chi phí tính thuế, giảm thuế TNDN phải nộp trong năm. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm các doanh nghiệp “thi nhau” mua, bán hóa đơn của các doanh nghiệp khác, thậm chí liên hệ với các “cò” ở “khu vực chợ đen”
Tuy nhiên, việc mua hóa đơn GTGT khống để trốn thuế sẽ để lại rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp. Nhiều kế toán “lão làng” và các chuyên gia kinh tế cho rằng việc mua hóa đơn GTGT khống là hạ sách. Còn dưới góc độ pháp lý, việc mua bán hóa đơn GTGT khống nhẹ thì bị xuất toán, yêu cầu giải trình xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì bị truy tố hình sự.
- Mua hóa đơn GTGT khống
Căn cứ vào điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về hành vi mua bán hóa đơn GTGT khống như sau:
Điều 23. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác
Như vậy, việc mua hóa đơn GTGT khống là hành vi mua bán hóa đơn mà không có giao dịch thực tế.
2. Xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp mua bán hóa đơn GTGT khống
Điều 13. Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:
Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu (trừ các trường hợp bị xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư này) hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
c) Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.
d) Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế. …………………………………….
Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.
Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.
Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.
Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi
Như vậy, hành vi mua bán hóa đơn GTGT khống lần đầu nhằm mục đích trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13 thông tư số 166/2013/TT-BTC.
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nếu hành vi mua hóa đơn GTGT khống có đủ dấu hiệu của tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trốn thuế và tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, Bộ Luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định đối với các tội này như sau:
Thứ nhất, Tội trốn thuế Điều 161 quy định cụ thể như sau:
1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế
Thứ hai, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước Điều 164 a, quy đinh cụ thể như sau:
Người nào in, phát hành, mua bán, trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị xử phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm
a, Có tổ chức;
b, Có tính chất chuyên nghiệp;
c, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d, Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt rất lớn;
đ, Thu lợi bất chính lớn;
e, Tái phạm nguy hiểm
g, Gây hậu quả nghiêm trọng
Thuế TNDN mới là thuế thực sự của doanh nghiệp, nó cần được đảm bảo bằng hệ thống hóa đơn, chứng từ, hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hoàn chỉnh, chặt chẽ, logic, phù hợp và luôn phải đảm bảo “có thể giải trình” nếu bạn muốn an toàn và tối ưu. Việc mua hóa đơn GTGT khống sẽ mang lại rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên coi trọng việc phát triển kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận, không nên sử dụng hạ sách mua bán hóa đơn khống nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế