Quy định mức xử phạt hành vi trốn thuế

Trốn thuế là một trong những hành vi vi phạm hành chính về thuế và sẽ phải chịu xử phạt theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Cách thức và mức độ xử phạt với hành vi trốn thuế đã được Chính Phủ quy định chi tiết trong Nghị định 125/2020/NĐ-CP, ban hành mới nhất ngày 19/20/2020.

Quy định xử phạt hành vi trốn thuế mới nhất.

1. Hành vi trốn thuế là gì?

Trước khi tìm hiểu về quy định xử phạt hành vi trốn thuế, bạn và DN nên nắm được khái niệm hành vi trốn thuế là gì?

Trốn thuế được hiểu là hành vi thực hiện các phương thức mà pháp luật không cho phép nhằm giảm số thuế phải nộp của đơn vị kinh doanh. Ví dụ như: Bán hàng nhưng không xuất hóa đơn để giảm doanh thu, tạo hóa đơn không có thật nhằm tăng chi phí và mức khấu trừ thuế,…

Hành vi trốn thuế được quy định trong Luật quản lý thuế.

Tại Điều 143 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Quốc Hội đã quy định các hành vi trốn thuế bao sẽ bao gồm 11 hành vi, tương ứng với 11 khoản tại Điều luật này. Cụ thể:
– Người nộp thuế (NNT) không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hay nộp ngày đã hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
– NNT không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
– NNT không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa hay dịch vụ đã bán;
– NNT sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, dùng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
– Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
– NNT khai sai thông tin hóa đơn so với với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời cố tình không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.
– NNT cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
– NNT cấu kết với người gửi hàng nhằm nhập khẩu hàng hóa với mục đích trốn thuế.
– NNT sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích theo quy định pháp luật, đồng thời không tiến hành khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
– NNT có hoạt động kinh doanh trong thời gian ngừng hay tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không hề thông báo với cơ quan quản lý thuế.
Bên cạnh việc quy định các hành vi trốn thuế, tại Điều 143 này, Quốc hội còn quy định một số hành vi trốn thuế nhưng không bị xử phạt vi phạm trốn thuế mà sẽ xử phạt theo quy định của Khoản 1, Điều 141 của Luật Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Bao gồm:
– Hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày nhưng không phát sinh số tiền thuế phải nộp;
– Hành vi nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày có phát sinh số tiền thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

2. Quy định xử phạt với hành vi trốn thuế

Hiện nay, quy định xử phạt hành vi trốn thuế đã được Chính Phủ quy định rất chi tiết tại Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, mới ban hành gần đây nhất vào ngày 19/10/2020.
Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm mà các hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt theo các mức khác nhau.

Mức phạt với hành vi trốn thuế.

2.1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn

Mức phạt tiền 1 lần số thuế trốn sẽ được áp dụng đối với trường hợp NNT có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi phạm phải những hành vi vi phạm sau:
– NNT không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, tính từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc tính từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Ngoại trừ các trường hợp đã quy định tại Điểm b, c của Khoản 4 và khoản 5 trong Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.
– NNT không ghi chép vào sổ kế toán các khoản thu có liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn tới thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế. Ngoại trừ các hành vi quy định tại Điều 16, Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.
NNT không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ trường hợp NNT đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nhưng sai thông tin về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
– NNT sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm mục đích khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
– NNT sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế nhằm mục đích xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng với thực tế nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.
– NNT sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định nhưng lại không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.
– NNT có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng lại không thông báo với cơ quan thuế. Ngoại trừ các trường hợp được quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 10 của  Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.

2.2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn

Mức phạt 1,5 lần số tiền thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các hành vi sai phạm ở mục 2.1 nhưng không hề có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ.

2.3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn

Mức phạt tiền 2 lần số thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các các hành vi sai phạm ở mục 2.1 và có một tình tiết tăng nặng.

2.4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn

Mức phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các hành vi sai phạm ở mục 2.1 và có hai tình tiết tăng nặng.

2.5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn

Mức phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các hành vi sai phạm ở mục 2.1 và có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Căn cứ vào quy định xử phạt hành vi trốn thuế tại Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, NNT vi phạm hành chính trốn thuế còn phải tuân thủ nghiêm chỉnh biện pháp khắc phục hậu quả sau:
– Mọi trường hợp vi phạm trốn thuế bắt buộc phải nộp đầy đủ số tiền trốn thuế và ngân sách nhà nước.
– Những trường hợp vi phạm trốn thuế nhưng đã quá thời hiệu xử phạt thì NNT vẫn bắt buộc phải nộp đầy đủ số tiền trốn thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời tuân thủ đúng theo quy định tại Khoản 6, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.
– Những trường hợp vi phạm trốn thuế phải điều chỉnh lại số số lỗ, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Ngoài ra, tại Khoản 7, Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, Chính Phủ có quy định rằng các hành vi vi phạm tại trong Điểm b, đ, e của Khoản 1, Điều 17 này, nếu bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định này.
Trên đây, bài viết đã làm rõ với bạn và DN hành vi trốn thế là gì và quy định xử phạt hành vi trốn thuế mới nhất hiện nay.

    Tải bảng giá

    error: Content is protected !!